Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh!
Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất kinh kỳ hoa lệ, những con phố mùa thu tưởng chừng chỉ có hương cốm mới và mùi hoa... ấy thế mà lịch sử đau thương đã ghi lại vỉa hè Hà Nội với nhiều người chết đói... Người đọc sẽ còn chứng kiến cảnh tượng quân Nhật, rồi quân Pháp... hành xử bạo tàn với người dân để rồi hiểu và thấm thía hơn lịch sử dân tộc đã thực sự sang trang từ ngày 19/8/1945, rồi tiếp đó là ngày Độc Lập 2/9. Như mọi miền trên Tổ quốc Việt Nam, Hà Nội chứng kiến cuộc đổi đời của dân tộc.
Trong buổi giới thiệu sách hôm nay tôi xin giới thiệu tới các thầy cô giáo cùng các em học sinh cuốn sách “ Tháng ngày thương nhớ”. “Tháng ngày thương nhớ” là dòng hồi ức về tuổi thơ ở Hà Nội với những tháng ngày đau thương, hào hùng, oanh liệt. Cuốn sách chỉ vẻn vẹn 59 trang với kích thước 13 x 19cm , sách được nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc tháng 10 năm 2014.
Trang bìa của cuốn sách được bài trí ấn tượng, đẹp mắt với màu vàng rực rỡ. Nổi bật trên trang bìa là dòng chữ ghi tên tác phẩm “ Tháng ngày thương nhớ” và hình ảnh một một cậu bé đang cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng , lá cờ của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Phía xa xa là hình ảnh Thủ đô Hà Nội với những dòng người, với những khẩu hiệu đả đảo phát xít, ủng hộ việt minh của người dân thủ đô những năm 1945. Với cách trang trí mộc mạc, giản dị nhưng trang bìa của cuốn sách đã tạo nên sự lôi cuốn kì lạ đối với độc giả. Với trang bìa mộc mạc như vậy thì nội dung cuốn sách sẽ ra sao? Cuốn sách sẽ mang đến cho người đọc những cảm nhận như thế nào? Đó là điều mà độc giả sẽ háo hức, mong chờ và đón đợi.
“Tháng ngày thương nhớ” đã ghi lại chân thực cảnh tượng bi thảm và đau thương của lịch sử nước nhà, đó là cảnh "người chết đói", cảnh người dân thủ đô Hà Nội vùng lên kháng chiến những năm 1945, 1946.
Sách không có mục lục không có lời giới thiệu nhưng có thể chia nội dung cuốn sách làm 6 phần.
Phần 1: Hồi ức của tác giả khi còn là cậu học trò
Phần 2: Hồi ức về nạn đói năm 1945
Phần 3: Hồi ức cuộc cách mạng của người dân Hà Nội năm 1945
Phần 4: Hồi ức về Tuần lễ vàng cứu đói 1945
Phần 5: Hồi ức về Hà Nội khi bị thực dân Pháp chiếm đóng
Phần 6: Hồi ức của tác giả về Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt
Phần 1 của cuốn sách tác giả cho người đọc thấy một cái nhìn khái quát về gia đình, về tuổi thơ của tác giả khi còn cắp sách tới trường. Khi ghi lại những dòng ký ức tuổi thơ, tác giả Phạm Thắng như có một chút bông đùa với hình ảnh của mình. Ông tự miêu tả bản thân với những nét nghịch ngợm hồn nhiên, là một cậu bé bị mọi người chê cười là "vô tích sự". Như bao cậu học trò nhỏ khác, cậu bé Phạm Thắng cũng có những kỉ niệm êm đềm đáng nhớ về tuổi học trò hồn nhiên, tinh nghịch của mình ở trường ở lớp. Sống thật vui tươi với lòng yêu nước, yêu mọi người, yêu Hà Nội. Cậu bé học trò phố Huế ấy đã trở thành một chiến sĩ nhỏ trong Đội thiếu niên Tình báo hoạt động trong lòng Hà Nội suốt những năm kháng chiến.
Ở phần 2 tác giả lại cho người đọc thấy được cảnh tượng bi thương của nạn đói năm 1945. Phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp khỏi xứ Đông Dương bằng cuộc đảo chính ngày 9/03/1945. Vào thời điểm ấy, hàng vạn dân quê đói rách từ nông thôn các tỉnh kéo về Hà Nội xin ăn. Họ lê bước thất thểu tràn ngập đường phố. Nhiều người đói lả bò lết trên hè. Số đông trong bọn họ chỉ có mảnh vải xơ xác che thân. Họ là những bộ xương bọc lớp da nhăn nhúm cáu bẩn, không thể đoán tuổi, không thể biết giới tính. Người chết đói nằm la liệt khắp ngõ hẻm, đầu đường, góc phố. Một luồng gió thoảng cũng đủ bốc mùi tử thi xú uế!...". Không chỉ có nạn đói mà người dân còn bị lính Nhật coi như con vật. Những tên hiến binh lủng lẳng gươm dài bên hông, bước chân chúng đạp vào vỏ gươm nghe “ phập, phập” kinh hoàng, bởi lẽ chúng đã vô cớ xả gươm chặt chém biết bao người dân vô tội.
Đến với phần 3 người đọc sẽ thấy được cảnh tượng người dân Hà Nội vùng lên kháng chiến. Vì nạn đói, vì bị áp bức người dân đã vùng lên phá kho thóc của Nhật cứu đói. Người Hà Nội bàng hoàng nhìn những đoàn “ cam –nhông” chở đầy lính Nhật phóng như điên qua các phố, Người Hà Nội càng lạ lẫm khi thấy lính Nhật đi tuần bằng xe đạp… Bên canh sự xô bồ, lai căng láo nháo của kẻ cơ hội, có một lớp người Hà Nội chân chính đang kiên trì tích tụ những mạch ngầm tiềm ẩn. Quả thực đúng là như vậy dưới sự áp bức của quân Nhật người dân Hà Nội đã vùng lên biểu tình giành chính quyền. Một biển người chuyển động rập rờn như sóng. Giờ lịch sử cứu nước đã điểm. Đồng bào đã nhất tề vùng lên, cùng Việt Minh tiến lên giành chính quyền.
Hà Nội văn minh vùng đứng lên như người vừa khỏi ốm. Sau lễ Tuyên ngôn độc lập ở vườn hoa Ba Đình, Hà Nội tưng bừng mở hội “ Tuần lễ vàng cứu nước”. Cụ Hồ kêu gọi toàn dân hiến tiền, vàng để củng cố chính quyền dân chủ, xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam mới. Ký ức tuổi thơ của tác giả Phạm Thắng ghi lại trung thực hình ảnh người dân thành tâm sát cánh cùng chính phủ trong Tuần lễ vàng. “Một bà hàng xôi chè đặt gánh hàng mãi tít ngoài sân khép nép đi đến trước bàn thờ Tổ quốc, vừa vái lạy vừa lầm rầm khấn. Bà đứng lên lần hầu bao một lúc, lấy ra gói giấy nhỏ rồi ngước nhìn ảnh Cụ Hồ nghẹn ngào nói. Con nghèo quá, chỉ dành dụm được một lai, con xin dâng lên cụ gọi là chút lòng thành vì nước!... Hay cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng. Họ thành kính trước bàn thờ Tổ quốc, rồi lặng lẽ tháo hoa tai, lắc tay, tháo nhẫn, vòng kiềng đeo cổ…thả nhẹ vào chiếc đỉnh đồng mở nắp…”. Phong trào “ Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” diễn ra khắp nơi, những bữa “cơm đoàn kết” để mọi người chuyện trò râm ran, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp. Tình hàng xóm, nghĩa đồng bào càng thêm gắn bó. Đó cũng chính là nội dung trong phần 4 của tác phẩm.
Đến với phần 5 một lần nữa người đọc lại thấy được sự vùng lên quật cường của dân Hà Nội trước cảnh đàn áp của thực dân Pháp. Quân Nhật vừa đầu hàng lại đến quân Pháp chiếm đóng. Sự nhẫn nhịn dồn nén, sự âm thầm chuẩn bị một cuộc chiến bắt buộc, không cân sức càng làm không khí nóng lên hầm hập. Mệnh lệnh đi tản cư đã được ban bố, người dân Hà Nội không ai muốn đi tản cư khẩu hiệu “ Sống chết với Thủ đô” truyền miệng người lọ sang người kia. Đàn ông vào tự vệ sao vuông, phụ nữ đi tập luyện cứu thương, các cụ già tham gia “ Bạch đầu xuân”. Đội thiếu niên liên lạc trinh sát ra đời, trong đó có tác giả và vài người bạn cùng lứa. Mọi công việc chuẩn bị chiến đấu của tự vệ thành phố đều diễn ra khẩn trương vào ban đêm. Công sự cá nhân được khoét sâu xuống hè phố. Những bao cát đắp nổi làm ụ súng mọc lên ở các ngã ba, ngã tư đường… Cỗ máy nghênh chiến của thủ đô Hà Nội đã tra dầu đầy đủ, chỉ chờ có lệnh ấn nút là vận hành chuyển động.
Tiếp đó, những biến động đã khích lệ lòng yêu nước cháy bỏng của người dân Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc từ đêm 19/12/1946. Khoảng tám giờ tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, điện toàn thành phố vụt tắt. Phía tây Hà Nội, chớp lửa giần giật đỏ rực, tiếng nổ rền vang. Đại bác của ta ở pháo đài Láng lên tiếng, lệnh thượng cấp truyền xuống: Giờ cứu nước đã điểm, các đơn vị vệ quốc đoàn, tự vệ thành và đồng bào nhanh chóng hành động chặn bước tiến quân giặc. Cậu bé Phạm Thắng ngày nào giờ đây đã trở thành trinh sát, giao liên. “Cuộc chiến diễn biến mau lẹ, xáo trộn tất cả. Như quả bóng tròn, tôi lăn qua nhiều đơn vị, nhiều trận địa, ở đâu cũng thấy thích. Tôi chưa kịp nhớ tên anh chỉ huy này, đã lại dưới quyền ra lệnh của người chỉ huy khác. Cuối cùng, tôi được tuyển chọn vào Đội Thiếu niên quân báo Tiểu khu Mê linh- Đề Thám, mà sau này là Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt thuộc công an Quận 6 nổi tiếng một thời”.
Phần 6 của cuốn sách là hồi ức của tác giả về Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt một thời. Thời gian cứ vùn vụt trôi nhưng kí ức tuổi thơ của tác giả thì vẫn còn nguyên vẹn. Sau những ngày Trung đoàn thủ đô rút khỏi Liên khu Một, vào đêm ngày 19 tháng 12 năm 1947, một tổ gồm năm đội viên Bát Sắt nhận lệnh lên đường xuất phát từ ngôi đình làng Huỳnh cung ( nay là thôn Huỳnh Cung, Thanh Trì, Hà Nội), tìm lối đi bí mật trở về Hà Nội, mở đầu sự hình thành trận tuyến thầm lặng trong lòng thủ đô Hà Nội bị quân Pháp tạm chiếm. Phạm Thắng thật may mắn được là đội viên Đội Bát Sắt, tham gia hoạt động từ đêm mở đường cho đến ngày kết thúc sứ mạng vẻ vang của Đội vào năm 1948. Xin được mượn lời của tác giả “ Từ một thằng bé luôn bị mắng là vô tích sự, nay tôi đã bước sang tuổi tám mươi hai, lứa tuổi không thể và chắc chắn không thể bị ai bảo là vô tích sự”.
Những dòng ký ức của một người viết ở tuổi bát tuần giống như những giọt sương mùa thu đọng trên rễ đa cổ thụ. Người ta nói "tuổi già giọt lệ như sương" - trang hồi ức của ông được chắt lọc, gạt đi mọi bụi bặm của nghìn vạn thời khắc đã qua.
Nhà văn Phạm Thắng chia sẻ: “Tôi kể lại những kí ức đó của mình muốn để các bạn trẻ ngày hôm nay hiểu thêm về khoảng thời gian trước Cách mạng, trong Cách mạng và sau Cách mạng. Những ngày sau kháng chiến toàn quốc để các bạn có thể hình dung được sự đổi thay của đất nước ta ngày hôm nay so với thời kì tôi còn trẻ, ở thời niên thiếu, để từ đó các bạn có thể hiểu rõ hơn về lịch sử đất nước cũng như lịch sử Thủ đô”.
Sống giữa Hà Nội thế kỷ 21, người đọc hôm nay sẽ được trở về quá khứ với những trang viết chân thật từ ký ức của nhà văn Phạm Thắng, một người Hà Nội, đã sống và chiến đấu vì Hà Nội. Thế hệ trẻ hôm nay có lẽ chỉ được biết phần nào qua những dòng ngắn ngủi từ sách giáo khoa, qua vài tấm ảnh trong viện bảo tàng... Nhưng khi đọc những trang văn của Phạm Thắng, ký ức tuổi thơ chân thật tự nhiên không chút màu mè của tác giả cho ta những rung động đau xót. Những trang viết của ông thật chân thành, không chút "làm văn", chỉ như một người ông kể chuyện rủ rỉ và hóm hỉnh cùng các cháu. Cuốn sách vì thế, cũng là một tư liệu quý, sinh động về tuổi thơ Hà Nội trước Cách mạng.
Xin trân trọng giới thiệu tới các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh!