Công tác xã hội trường học: đã phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới, các nước đã giới thiệu nhiều mô hình, cách tiếp cận và yêu cầu về nhân sự trong lĩnh vực này. Điển hình như tại Hoa Kỳ, ngay từ sớm công tác xã hội trường học đã được chú trọng để cải thiện môi trường học tập cho học sinh thông qua việc đánh giá vấn đề và nhu cầu của học sinh, cung cấp các hoạt động trợ giúp như tham vấn, hỗ trợ tâm lý-xã hội, giáo dục kỹ năng sống và xây dựng năng lực để giúp học sinh tự giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình và thầy cô giáo.
Nhân viên công tác xã hội trường học là người giúp học sinh thay đổi những hành vi không mong muốn như: không hoàn thành việc học tập, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật; và hỗ trợ các em khai thác và phát huy những điểm mạnh và thành công trong học tập, giúp học sinh có khả năng định hướng nghề nghiệp, phát huy tối đa năng lực của bản thân. Công tác xã hội còn có vai trò hỗ trợ công tác phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực, phòng chống ma túy, phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những trẻ em yếu thế như trẻ ảnh hưởng HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật.
Công tác xã hội trường học còn giúp các bậc phụ huynh hỗ trợ và tham gia một cách có hiệu quả vào hoạt động giáo dục con cái; hiểu được những nhu cầu phát triển và giáo dục của trẻ; tiếp cận các nguồn lực của trường học và cộng đồng; hiểu các dịch vụ giáo dục đặc biệt; tăng cường kỹ năng làm cha mẹ; và giúp các thầy cô giáo giảm căng thẳng áp lực trong công việc, thúc đẩy công tác phối hợp với phụ huynh học sinh tiến hành hiệu quả công tác giáo dục, nhất là với các em cần sự giáo dục đặc biệt, đồng thời hiểu hơn về gia đình học sinh và những yếu tố văn hoá và cộng đồng ảnh hưởng đến học sinh.
16h00 chiều thứ sáu ngày 16/9/2022 trong buổi sinh hoạt chuyên môn của CBGVNV trường tiểu học Kiêu Kỵ đã thực hiện buổi tập huấn cho toàn thể CBGVNV nhà trường về công tác xã hội trong trường học. Buổi tập huấn do đ/c Vũ Thị Vân hiệu phó nhà trường làm giảng viên. Và 100% CBGVNV của nhà trường có mặt tham gia đông đủ.
Phát triển dịch vụ công tác xã hội trường học: Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và ngăn chặn các tình huống xấu, tình huống bạo lực có ảnh hưởng đến học sinh. Tổ chức các hình thức giáo dục, trợ giúp nâng cao kỹ năng sống của học sinh trong học tập, vui chơi và giúp học sinh có năng lực tự giải quyết các mối quan hệ xã hội. Phát hiện kịp thời các vấn đề ảnh hưởng đến học sinh, trẻ em, đưa ra phương án can thiệp trị liệu kịp thời. Khôi phục lại các chức năng cơ bản của học sinh bị tổn thương sau những biến cố xã hội của cá nhân, trường học, gia đình, cộng đồng. Liên kết và kết nối các tổ chức, các dịch vụ bảo vệ trẻ em, cung cấp dịch vụ xã hội-giáo dục cho học sinh, trẻ em tại cộng đồng. Liên kết chặt chẽ gia đình và cộng đồng thôn xã, khu phố trong bảo vệ học sinh, trẻ em. Liên kết chặt chẽ với hệ thống CTXH; bảo trợ trẻ em từ cấp xã/phường đến huyện/quận, các tổ chức thuộc chính phủ, phi chính phủ. Tổ chức tập huấn CTXH cơ bản cho cán bộ làm việc liên quan đến CTXH trong nhà trường phổ thông; tập huấn ngắn hạn, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên CTXH chuyên trách và bán chuyên trách tại các trường thực hiện cung cấp dịch vụ CTXH trường học, bao gồm bảo vệ trẻ em và các dịch vụ CTXH trường học.
Các nội dung tập huấn góp phần trang bị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông cốt cán những kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh nói chung và trong các nhà trường nói riêng, giúp cán bộ, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phối hợp tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống bạo lực học đường; thống nhất quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục để thực hiện mục tiêu giáo dục; giải pháp nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh; đồng thời tư vấn, hỗ trợ cán bộ, giáo viên trong việc phối hợp với gia đình làm tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ học sinh tháo gỡ khó khăn trong quá trình chuyển tiếp lên cấp học cao hơn./.