Kiêu Kỵ là một xã nằm ở phía Nam huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã Kiêu Kỵ nằm trên trục đường tỉnh lộ 179, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua xã. Xã Kiêu Kỵ gồm các thôn: Trung Dương, Kiêu Kỵ, Gia Cốc, Xuân Thụy, Chu Xá, Hoàng Xá, Báo Đáp và Khu dân cư Z176. Kiêu Kỵ là một vùng đất được thiên nhiên ưu dãi, đất đai bằng phẳng phì nhiêu, người dân cần cù và hiếu học. Đây là nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.
Kiêu Kỵ có nền kinh tế khá phát triển, xã có làng Kiêu Kỵ, làng nghề truyền thống duy nhất ở Việt Nam chuyên làm quỳ vàng, có lịch sử trên 300 năm, dưới thời Hậu Lê. Thuở ấy có ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), ông đỗ Tiến sĩ vào năm Quý Mùi, thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang. Trong một lần ông đi sứ bên Trung Quốc học được nghề dát vàng bạc còn gọi là nghề làm bạc quỳ, vàng quỳ. Khi về nước ông truyền lại nghề này cho dân làng Kiêu Kỵ, ông được dân làng tôn làm tổ nghề. Cho đến nay, Kiêu Kỵ vẫn là làng duy nhất trong cả nước chuyên làm quỳ vàng.
Kiêu Kỵ còn gắn với tên tuổi của anh hùng dân tộc Nguyễn Chế Nghĩa. Ông là một danh tướng thời Trần, thông thạo võ nghệ, lập được nhiều chiến công trong lần chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba (năm Mậu Tý - 1288). Ông được thờ tại khu di tích Đình - Đền - Chùa Kiêu Kỵ. Tên của ông nay được đặt cho một đường phố, nối phố Trần Hưng Đạo với phố Hàm Long, Hà Nội.
Ngoài ra, Kiêu Kỵ được biết đến là quê hương của lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (1908 - 1956). Ông tên thật là Vũ Nguyên Bắc, tham gia cách mạng từ năm 1926, vào học trường Quân sự Hoàng Phố và hoạt động trong phong trào Cộng sản ở Trung Quốc, từng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh ròng rã suốt năm 1935. Năm 1945, ông về nước và giữ các chức vụ chỉ huy quân sự ở Liên khu 5 rồi Liên khu 4. Năm 1949, được phong quân hàm thiếu tướng, năm 1951 trở lại Trung Quốc, công tác tại Bộ Tổng Tham mưu Quân giải phóng Trung Quốc, được phong quân hàm thiếu tướng, nên gọi là “Lưỡng quốc Thiếu tướng”. Năm 1999, tên của ông được đặt cho một con đường từ phố Ngọc Lâm (nơi có công viên phường Ngọc Lâm, tức thị trấn Gia Lâm cũ) đến sân bay Gia Lâm, dài 1,5km.
Hiện nay, Kiêu Kỵ đang trên đà phát triển. Với những cơ chế, chính sách thông thoáng cùng sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương một ngày không xa, Kiêu Kỵ sẽ trở thành một xã phát triển toàn diện của huyện Gia Lâm.
Trân trọng, tự hào về bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử vẻ vang của xã Kiêu Ky, mỗi chúng ta cần giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó để góp phần xây dựng quê hương Kiêu Kỵ ngày càng giàu đẹp.